Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
73673

KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI  ĐỊNH THÀNH

 Định Thành là xã nằm trong vùng đồng bằng , ở phía Đông Nam của huyện Yên Định, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 8 km. Phía bắc giáp xã Định Tiến; phía nam giáp huyện Thiệu Hóa; phía tây giáp xã Định Hòa; phía đông giáp xã Định Công.    

Diện tích tự nhiên toàn xã hiện nay là 1139.58ha ( trong đó đất nông nghiệp là 721ha, đất phi nông nghiệp là 266ha, đất chưa sử dụng là 152.58 ha) và dân số có 1655hộ, 6791 nhân khẩu ở 4 thôn: Bái ân 1, Bái ân 2, Tường Vân và Hải Quật.

Địa hình và đất đai: là một xã thuộc vùng đồng bằng của huyện do phù sa sông Cầu Chày bồi đắp. Nhìn chung địa hình nghiêng dần từ tây sang đông, thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp

Xã có 6 núi là núi Nuông, núi Son, núi Chùa, núi Hang Kén và núi Lớn. Năm 1986, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Liên Xô đã khai quật được nhiều di vật ở khe Tiên Nông (núi Nuông) như: rìu đá, cuốc đá, cối đá và các vật dụng gia đình. Gần đây nhân dân địa phương đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị thuộc thời  đại kim khí cách đây khoảng 2000 năm như trống đồng, đồ gốm sứ. Qua đó chứng tỏ khu vực núi Nuông nói riêng và Định Thành nói chung là vùng có lịch sử cư trú lâu đời.

Núi Nẫn là núi đá vôi, cao khoảng 200m,với các hang động như hang Tối, hang sáng.

Núi Son còn gọi là Tượng Sơn, cao khoảng 250m, có hang Cửa Chúa. Thời kỳ chống pháp, quân đội đã thành lập công binh xưởng ở đây để rèn đúc vũ khí  phục vụ cho kháng chiến. Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng cũng về công tác một thời gian tại khu vực này. Bên cạnh đó, nơi đây có mỏ hoàng thổ được pháp khai thác và còn tồn tại đến ngày nay.

Núi Chùa còn gọi là núi Cấm vì xung quanh núi có nhiều đền, miếu, chùa, lăng tẩm nên nhân dân còn gọi là núi Thiêng. Trên núi có 1 hang động được kiến tạo đặc biệt, thông từ bên này sang bên kia núi. Vừa là nơi thắng cảnh tham quan vừa có giá trị về quốc phòng. Do nhiều nguyên nhân, ngày nay một cửa hang đã bị sập.

Núi Hang Kén là núi đã vôi, cao trên 250m. Tại đây có các hang Đá Vũ, Đá Bạc. Ngay sườn núi có Đền thờ Thượng Đỉnh Cao Sơn và Đức Thánh Mẫu. Ngày nay đã được khôi phục để nhân dân địa phương hương khói phụng thờ.

Núi Lớn được liên kết bởi nhiều ngọn núi chụm vào nhau liền một khối cao trên 200m. Tại khu vực núi có một số kim loại quý chưa được khai thác sử dụng. Các ngọn núi trên vừa tạo cảnh quan hùng vĩ, vừa là cơ sở để địa phương phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của xã là 191.78ha, được quy hoạch thành rừng phòng  hộ. Nhìn chung, diện tích đất lâm nghiệp của xã chủ yếu trồng các loại cây như bạch đàn, keo. Trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương, nguồn tài nguyên rừng được Đảng bộ và chính quyền xã quan tâm, công tác bảo vệ rừng luôn được chú trọng.

Đất đai thuộc khu đồng bằng của xã thuộc nhóm đất phù sa glây là đất  chua, thiếu lân. Nhóm đất này vẫn trồng được hai vụ lúa, có khả năng thâm canh để tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, Định Thành còn có một diện tích nhỏ thuộc nhóm đất phù sa úng nước. Nhóm đất này được nhân dân trong xã canh tác hai vụ lúa, nhưng vụ mùa thường cho năng suất thấp do mưa  nhiều gây ngập úng. Xã còn có một diện tích đất thuộc nhóm đất bị xói mòn trơ sỏi đá. Loại đất này là đất trống đồi núi trọc bị xói mòn do rửa trôi, tầng canh tác mỏng, nghèo dinh dưỡng.

Về khí hậu, Định Thành chịu ảnh hưởng chung của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt. Mùa hè nắng lắm, mưa nhiều và có gió Tây khô nóng. Trong khi đó mùa đông hanh, lạnh và có sương muối. Tổng nhiệt trung bình hàng năm là 8.400-8.5000C. Biên độ nhiệt độ trong năm là 12-130C. Mùa hè chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng thường tập trung vào tháng 6, tháng 7, tháng 8, nhiệt độ có thể tăng lên 39-400C. Mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp nhất có thể hạ xuống 8-100C. Với nền nhiệt độ như vậy đã có tác động lớn đến việc sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, nhiệt độ cao, lượng bốc hơi lớn, nhiều khi gây hạn hán nghiêm trọng, có khi lại có mưa lớn xảy ra gây lũ lụt, phá hoại mùa màng. Vì vậy cần lựa chọn các loại cây trồng phù hợp chịu được nắng nóng và rét hại. Lượng mưa trung bình năm từ 1.600-1.900mm. Trong năm, lượng mưa cao nhất từ khoảng tháng 5 đến tháng 11, chiếm khoảng 87-90% lượng mưa cả năm. Các tháng từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ đạt 15-20mm. Độ ẩm tương đối trung bình năm ở xã là 85-86%. Tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 9,10,11 với độ ẩm đạt 89%. Độ ẩm trung bình thấp nhất là 60-65%.

Định Thành có nguồn nước mặt và nước ngầm khá dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Về nguồn nước mặt, xã có sông Cầu Chày và hệ thống kênh mương thủy nông chạy qua. Thêm vào đó trên địa bàn xã có hệ thống ao, hồ với diện tích lớn, đặc biệt có một đầm nước từ Định Tiến đi qua làng Bái Ân và Tường Vân nên nhân dân gọi là đầm Kéo Dài. Đây không chỉ là nơi tiêu úng cho xã Định Thành mà còn cho nhiều xã trong huyện Yên Định như: Định Tân, Định Hưng, Định Tiến, Định Hòa. Như vậy, nguồn nước mặt có vai trò quan trọng trong quá trình điều tiết nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ cảnh quan môi trường. Nguồn  nước ngầm chủ yếu được khai thác qua các giếng khoan, giếng khơi cho chất lượng nước đảm bảo hợp vệ sinh. Nguồn nước ngầm có vai trò lớn trong việc đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Cùng với vị trí địa lý và tự nhiên thuận lợi, điều kiện kinh tế -xã hội ngày càng hoàn thiện là cơ sở quan trọng trong sự tồn tại và phát triển bền vững của xã

Về giao thông: Trên địa bàn xã có tuyến đường Tỉnh lộ 516C với chiều dài 5,5km chạy qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và giao lưu hàng hóa nông, lâm sản với bên ngoài. Đường nhựa liên xã đã hoàn thành 5,5km/5,5km. Đường nội thôn không ngừng được Đảng bộ và chính quyền đầu tư nâng cấp bê tông hóa. Nhìn chung mạng lưới giao thông của xã phân bố khá hợp lý, mật độ phù hợp cho việc sản xuất, vận chuyển và đi lại của nhân dân.

Hệ thống thủy lợi khá tốt. Xã Định Thành có tổng số 15,83km kênh mương, trong đó có 5,6km mương tiêu và 10,23km mương tưới. Xã có 1 trạm tiêu úng Tường Vân gồm 8 máy bơm với công suất 4.000m3/giờ được Nhà nước đầu tư xây dựng năm 1991. Thêm vào đó, trên địa bàn xã đã xây dựng được 185 cống nhằm tưới, tiêu úng cho toàn bộ diện tích trồng lúa của các xã Định Tân, Định Tiến, Định Hưng, Định Hòa. Tiêu biểu là Cầu Xa, cống tiêu Hải Quật. Hệ thống cống của xã không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó xã còn xây dựng hàng trăm cống lớn nhỏ qua đê, qua đường liên xã và bao quanh khu vực nội dồng phục vụ việc tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp của nhân dân địa phương

Xã Định Thành xây dựng được hệ thống điện khá hoàn chỉnh, đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho 100% hộ gia đình. Nguồn điện của xã được lấy từ mạng lưới điện quốc gia. Toàn xã có 6 trạm biến áp với tổng dung lượng các trạm là 710KV. Hệ thống đường dây dẫn 6,5km đường dây cao thế và 24,7 km đường dây hạ thế. Nguồn điện cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất sinh hoạt của nhân dân trong xã.

Trong những năm qua xã Định Thành không ngừng chú trọng xây dựng các công trình hạ tầng, góp phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Hệ thống cơ sở hạ tầng của các trường mầm non, tiểu học, THCS từng bước được đầu tư, nâng cấp. Trường mầm non xã đã xây dựng khu nhà 2 tầng với 10 phòng học, khuôn viên sân chơi, cảnh quan rộng rãi, mát mẻ. Trường Tiểu học xây dựng 2 dãy nhà với 31 phòng học. Trường THCS  xây dựng được khu nhà 2 tầng với 12 phòng học và khu phòng học chức năng. Cơ sở vật chất trường học 2 năm qua xã đã đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đến nay 3/3 trường đã đạt chuẩn Quốc Gia mức độ 1.

Cùng với hệ thống trường học được xây dựng hoàn thiện, trạm y tế xã Định Thành được dự án WB5 xây dựng khu nhà 2 tầng với 8 phòng. Trang thiết bị được hỗ trợ và mua sắm bổ sung đầy đủ. Đội ngũ y sỹ, bác sĩ không ngừng được nâng cao trình độ, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Mạng lưới bưu chính viễn thông hoạt động có hiệu quả. Trên địa bàn xã có điểm bưu điện văn hóa với diện tích 180m2, có đủ trang thiết bị phòng đọc, phòng giao dịch, có các trạm viễn thông của các mạng di động, rất thuận lợi cho việc trao đổi thông tin liên lạc.

Với nguồn nhân lực dồi dào, cùng với điều kiện tự nhiên-xã hội thuận lợi tạo điều kiện cho xã Định Thành phát triển cơ cấu kinh tế đa dạng bền vững. Điều kiện địa lý tự nhiên với đất đai, sông ngòi, khí hậu ở Định Thành đã tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế. Trong đó, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp trồng trọt thâm canh lúa, hoa màu, cây công nghiệp; phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, nuôi thả cá... Đồng thời, đẩy mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như sản xuất vật liệu xây dựng, mộc dân dụng,…dịch vụ.

  Đảng bộ và nhân dân Định Thành đã và đang phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn của điều kiện tự nhiên, tích cực đẩy mạnh khai thác tiềm năng thiên nhiên phục vụ thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa xã nhà trở thành một vùng quê mạnh giàu.

          QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ LÀNG XÃ

 Trên đất Yên Định, khảo cổ học đã tìm thấy dấu tích cư trú của con người tại các di tích Núi Nuông (xã Định Hoà, Định Thành) nằm bên tả ngạn sông Cầu Chày và núi Quan Yên (xã Định Công) nằm bên hữu ngạn sông Mã thuộc thời đại đồ đá (cách ngày nay 30 - 40 vạn năm). Qua đó khẳng định cách ngày nay hàng vạn năm trên đất Yên Định ở những vùng nằm dọc theo lưu vực sông Mã, sông Cầu Chày, trong đó có (Định Thành nay) đã có dấu tích cư trú của con người.

 Theo sách Tên làng xã Việt nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ  Nghệ Tĩnh trở ra), các làng của xã Định Thành hiện nay thuộc tổng Hải Quật, huyện Yên Định, Phủ Thiệu Thiên. Xã Định Thành được  thành lập vào cuối năm 1947 tên cơ sở sáp nhập các thôn của xã Sơn Ôi và tổng Hải Quật, phủ Thiệu Hóa

  Đến  năm 1979, thực hiện Quyết định số 51/CP của Hội đồng chính phủ, xã

Định Thành và Định Công được hợp nhất làm một lấy tên là xã Công Thành.

  Năm 1981, theo Quyết định số 102-HĐBT của hội đồng Bộ Trưởng  chia xã

Công Thành  thành 2 xã Định Thành và Định Công. Hiện nay xã Định Thành có 3

làng: Bái ân, Tường Vân, Hải Quật

  Làng Bái ân

  Theo truyền thuyết, làng Bái ân từ xã xưa đã có người đến sinh sống và lập nghiệp. Với những hiện vật bằng đá như lưỡi cuốc, rìu, búa được tìm thấy đã chứng minh đây là vùng đất có lịch sử lâu đời.

  Làng có nhiều tên gọi khác nhau như: Thượng khu, Cổ Bi Phường, khu Bái Chân. Thời Thuận Thiên, vua Lê Thái Tổ sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm đã trở về bản khu lập đền, làm lễ tạ vị Thành Hoàng làng có công giúp nước. Vì vậy để bày tỏ lòng biết ơn, nhà vua đã thay từ Chân thành chữ Ân trong tên làng. Đến thời Đồng Khánh ( 1885-1888), làng trở lại tên gọi là Bái Chân  thuộc xã Sơn ôi, huyện Yên Định, phủ Thiệu Hóa. Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng còn có tên khác là Ngũ Hổ. Hiện nay, làng có tên là Bái Ân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

  Trước đây làng có 4 thôn gồm : Thôn 1, 2, 3,4. Đến tháng 10/2018 thực hiện Quyết định số 3110/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 của Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hóa về việc đổi tên, chuyển tên thành khu phố; sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố mới tại các xã, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Xã Định Thành tháp thành 4 Thôn. Làng Bái ân gồm 2 Thôn, đó là Thôn Bái Ân 1 gồm 2 thôn: thôn 1, thôn 4 cũ; thôn Bái Ân 2 gồm 2 thôn: thôn 2, thôn 3 cũ.

   Làng Tường Vân

  Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, làng Tường Vân đã có nhiều lần thay đổi tên gọi. Dựa theo gia phả họ Khương thời Đường Đức Tông( Trung Quốc), làng có tên là Cổ Hiểm Phường. Đến thời Hậu Lê, nhà Tây Sơn và vua Minh Mệnh làng được gọi là Huê Cầu. Đến năm 1841, tên làng được đổi tên thành Cẩm Cầu. năm 1869, tiếp tục đổi tên thành làng Tường Vân và tồn tại cho đến ngày nay.

Trước đây là có 3 thôn gồm: Thôn 5,6,7. Đến tháng 10/2018 Làng Tường Vân tháp thành 1 thôn có tên gọi là Thôn Tường Vân gồm 3 thôn: 5,6,7 cũ.

Làng Hải Quật

Làng Hải Quật hình thành từ lâu đời. Căn cứ vào bia đá ở văn chỉ hàng tổng và ghi chép gia phả của các dòng họ được biết rằng: Người khởi tổ đến sinh cơ lập nghiệp có tên gọi là Thần Hoàng bản Thổ Chúc Động Đại Vương. Đền thờ Ngài nằm ở phía Tây làng và do biến động của xã hội nên đền thờ đã bị phá. Làng Hải Quật còn được biết đến là nơi sinh ra ông hàn Đơ được phong tước Hàn Lâm vẽ truyền thần cho vua.

Đầu thế kỷ XIX, làng có tên gọi là Thôn Hải Quật, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên. Đến thời vua Đồng Khánh (1885-1888) có tên gọi là tổng Hải Quật, huyện yên Định, phủ Thiệu Hóa. Hiện nay được gọi là làng Hải Quật.

Trước đây là có 3 thôn gồm: Thôn 8,9,10. Đến tháng 10/2018  Làng Hải Quật tháp thành 1 thôn có tên gọi là Thôn Hải Quật gồm 3 thôn 8,9,10 cũ.

 Trên mảnh đất Định Thành trải qua 71 năm lịch sử. Đến nay đông đảo các dòng họ đã đến đây khai canh, lập ấp tạo dựng xóm làng. Trong quá trình cùng nhau đoàn kết vượt mọi khó khăn chiến thắng thiên tai, địch hoạ, các dòng họ nơi đây trải qua bao thế hệ đã chung sức, đồng lòng xây dựng Định Thành không ngừng phát triển về mọi mặt: kinh tế, văn hoá, xã hội, xứng đáng với vùng quê giàu truyền thống lịch sử và cách mạng.

 

  

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC